Hiện nay, giá đất trồng lúa tại một số tỉnh giáp ranh TP. Hồ Chí Minh còn tương đối rẻ, tôi có nên mua đất trồng lúa để đón đầu quy hoạch hay không? (Phạm Long)
Cụ thể, tôi là kỹ sư đang sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, đang có ý định mua 1.900m2 đất trồng lúa ở Long An; vì tôi không có hộ khẩu tại Long An nên tôi sẽ mua đất trồng lúa dưới dạng lập vi bằng.
Rất mong luật sư tư vấn giúp tôi trong trường hợp này có nên làm vậy hay không?
Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh tư vấn như sau:
Điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Đất trồng lúa thuộc nhóm đất nông nghiệp”.
Điều 190 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn cho hộ gia đình, cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ”.
Khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, vì bạn không phải người ở tại cùng cấp xã nơi có đất trồng lúa, không trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất nên bạn không được quyền mua đất trồng lúa.
Việc mua bán đất trồng lúa thông qua hình thức lập vi bằng không được pháp luật thừa nhận; người mua đất trồng lúa không được sang tên trên Giấy chứng nhận, về mặt pháp lý quyền sử dụng đất đó vẫn thuộc về bên bán. Do đó, người mua đất thông qua hình thức này sẽ gặp nhiều rủi ro và nguy cơ bị thiệt hại rất lớn (như là người bán “trở mặt” nên sẽ phát sinh các tranh chấp về quyền lợi hoa màu, lợi tức, bồi thường; người bán gặp nợ xấu; chết….). Khuyến nghị mọi người không nên mua đất trồng lúa thông qua hình thức lập vi bằng để tránh gặp rủi ro và thiệt hại.