Nhu cầu tu sửa, nâng cấp điều kiện ở tối thiểu của các hộ gia đình, cá nhân sở hữu nhà thổ cư luôn rất cao. Từ ý tưởng chung tới chi tiết giá cả, nhân công, thiết kế sao cho đảm bảo an toàn, thẩm mỹ, tiết kiệm là vấn đề nan giải, nếu thiếu kiến thức thực tế.
Xây, sửa nhà cửa lâu nay được xem như một công việc rất quan trọng và đòi hỏi đầu tư tiền của trong thời gian dài. Mức sống ngày càng cải thiện, nhưng mặt bằng thu nhập nhìn chung của người lao động vẫn không đủ sức đuổi kịp vật giá. Vậy, ngay từ lúc hình thành kế hoạch sửa sang nhà cửa, gia chủ luôn phải "liệu cơm gắp mắm". Không đủ tài chính mua nhà mới (hoặc chưa muốn mua), gia chủ đương nhiên sẽ dành tâm lực cho công cuộc "đại tu" nơi ở.
Chọn tư vấn
Tiết kiệm, nhưng phải hợp lý và đúng người, đúng việc – công đoạn tư vấn theo đó cũng không dễ dàng với hai lựa chọn: kiến trúc sư (KTS) và kỹ sư (KS) xây dựng. Thực chất, KTS hay KS trình độ được xem là ngang nhau, nhưng mỗi người quan tâm, phát triển mạnh về một mảng khác nhau. Kinh nghiệm cho thấy, nếu gia chủ muốn cải tạo nghiêng về kết cấu như thông tường, nới rộng nhà (liên quan tới chịu tải), nên tìm tới kỹ sư xây dựng. Ngược lại, trường hợp đòi hỏi cải tạo sao cho đẹp, bắt mắt, phong thủy, phong cách, nên sử dụng tư vấn của KTS là thích hợp.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, từng làm việc trong Công ty Cienco5, lựa chọn KTS hay KS trong việc sửa chữa, nâng cấp nhà ở dân sinh không nên cứng nhắc. Tùy theo mức độ và quy mô thi công, chủ nhà chỉ cần quan tâm tới người có kinh nghiệm thực tế. Cụ thể, cơ sở lựa chọn KTS chính là những thiết kế đã được xây thành hình (không phải những bản vẽ trên giấy). Về phần KS, chủ nhà nên tìm hiểu một số công trình gần nhất mà người KS này đã thi công. "Trăm hay không bằng tay quen", chính là như vậy.
Ngay trong giới làm nghề tư vấn xây dựng, cũng xuất hiện quan điểm cho rằng: kinh nghiệm thực tế mới chỉ là yếu tố cần và giữ 50% độ thành công. Bởi với sự phát triển của ngành xây dựng, việc một KTS (hoặc KS) nắm bắt, cập nhật đầy đủ nhất các loại vật liệu xây dựng, biện pháp thi công "nhanh, rẻ, bền vững" cũng quan trọng không kém.
Nhiều gia chủ thường chưa hiểu hết tầm quan trọng của đội ngũ tư vấn,
thiết kế xây dựng nên sự cố nhà ở rất mau chóng xuất hiện
Anh Sơn, KTS làm việc lâu năm trong một công ty tư vấn kiến trúc ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) khẳng định: "Trong mỗi một công trình dân dụng, KTS luôn là người định hướng cho các KS. KTS biết tất cả những vấn đề liên quan đến xây dựng, nhưng họ không phải là người chuyên sâu. Thay vào đó, KTS sẽ kết nối những người nghiên cứu chuyên sâu như KS kết cấu và nhà thầu… để cùng giải quyết các hạng mục công trình (bao gồm cả việc sửa chữa, nâng cấp nhà ở dân sinh). KTS sẽ không thể thiết kế được công trình khi không nắm được các hạng mục khác. Vì vậy, khi cải tạo nhà ở quy mô cấp 4, gia chủ chỉ cần tìm thợ xây dựng. Xây sửa lớn hơn, cần tìm KTS có kinh nghiệm thực tế, hiểu biết đầy đủ về công nghệ, vật liệu xây dựng và một đội thợ lành nghề.
Chọn được nhà tư vấn phù hợp với nhu cầu và túi tiền, nhiều gia chủ chỉ dừng ở đó và tìm cách tự khắc phục một vài "bệnh" thường thấy trên công trình, nhằm tiết kiệm tối đa. Tuy nhiên, cần nắm được những kiến thức cơ bản về xử lý công trình, để tránh tình trạng "lợn lành thành lợn què" – chia sẻ của KTS Nguyễn Tùng, lãnh đạo một đơn vị tư vấn, thi công nhà dân dụng ở khu vực Cầu Diễn.
Trường hợp tự xử lý
Phổ biến nhất, những ngôi nhà có tuổi đời trên 10 năm với tường xây, trát chỉ có cát, vôi, bị thấm, ẩm mốc thường xuyên. Gia chủ muốn trát lại và lăn sơn, nhưng chân tường bị rộp (dẫn tới bong, tróc). Phương án đưa ra: bóc hết lớp vữa trát cũ, đục sâu vào hàng vữa xây gần sát nền nhà càng sâu càng tốt – chú ý khả năng sập tường. Sau đó dùng vòi nước dội trôi hết lớp vữa vừa đục và làm ẩm lại lớp gạch, dùng vữa gồm xi măng cát vàng miết kín. Cách thức đó có thể làm giảm tới 90% khả năng thấm ngược lên tường. Do tường cũ, nên dễ ngấm ẩm và đã giữ một lượng nước ẩm sẵn, vì thế nên sơn thẳng vào tường để nước có thể bay hơi khí ẩm qua mặt sơn. Đặc biệt, không nên bả ma tít, vì rất dễ bị bong rộp hay mốc bên trong, dẫn tới khó xử lý về sau.
Với những ngôi nhà dân sinh do chính chủ nhân tự thiết kế, thi công, nhiều trường hợp có hiện tượng thấm tường, nhất là tường nhà vệ sinh và buộc phải lát lại gạch. Với những ngôi nhà có tường riêng (không chung tường hàng xóm), thấm tường nhà vệ sinh thường do đường ống bị rò rỉ, xử lý đường ống cấp, thoát nước không đảm bảo kĩ thuât. Có thể chống thấm nhà tắm bằng lớp màng khò 3-5mm, sau đó láng vữa, lát gạch... Chỉn chu hơn thì quét lớp chống thấm 2 – 3 lớp. Chống thấm thông thường + lát gạch, giá xoay quanh ở mức 250.000 đồng/m2.
Kèm theo đó, gia chủ thường đòi hỏi việc lát gạch nhà vệ sinh và lợp lại trần nhà. Việc lựa chọn vật liệu làm trần nhà, kinh tế nhất là trần nhựa, với giá 80.000-120.000 đồng/m2 (thị trường Hà Nội). Trần thạch cao, có giá khoảng 130.000-150.000 đồng/m2. Về chủng loại sơn: Matex, Vatex Sơn Đại Bàng, Alphanam… rất phù hợp với túi tiền eo hẹp.