Hồ Gươm là một trong những điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua khi du lịch đến Hà Nội. Nơi đây nổi tiếng với cảnh quan tuyệt đẹp, hồ nước trong xanh, cầu thênh thang và ngôi đền Ngọc Sơn nằm giữa hồ. Du khách có thể thăm quan ngôi đền, ngắm cảnh và tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời. Hồ Gươm trở thành biểu tượng văn hóa và địa danh nổi tiếng của thủ đô Hà Nội.
Giới thiệu hồ Gươm
Hồ Gươm hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm là một hồ nước ngọt tự nhiên nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội, có diện tích khoảng 12ha. Cho đến thế kỉ thứ 15 hồ chính thức được mang tên gọi Hoàn Kiếm gắn với truyền thuyết trả gươm báu cho rùa vàng của vua Lê Lợi.
Tên gọi hồ Hoàn Kiếm gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho Rùa thần vào thế kỷ 15. Trước đó, hồ có các tên gọi khác như hồ Lục Thủy (vì nước có màu xanh quanh năm), hồ Thủy Quân (dùng để duyệt thủy binh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng (trong thời Lê mạt).
Hồ Gươm nằm ở vị trí giao giữa các khu phố cổ như phố Hàng Đào, phố Lương Văn Can, phố Hàng Ngang... với các khu phố Tây Tràng Thi, Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu, Hàng Bài… Đây là nơi lý tưởng để dạo phố, khám phá nét đẹp văn hóa phố cổ Hà Nội và là điểm tham quan được du khách trong và ngoài nước yêu thích.
Các điểm di tích lịch sử tại Hồ Gươm
Tháp Rùa nằm ở giữa hồ, được xây dựng trên một gò đất vào cuối thế kỷ XIX. Công trình có lối kiến trúc kết hợp giữa Pháp và Việt Nam, cao 3 tầng, trên đỉnh có những tầng nhỏ.
Tháp hình chữ nhật, tầng 1 có chiều dài 6,28m (của 2 mặt hướng Đông và Tây), mỗi mặt có 3 cửa. Chiều rộng 4,54m, mỗi mặt có 2 cửa. Các cửa đều được xây cuốn, đỉnh thuôn nhọn.
Tầng hai dài 4,8m, rộng 3,64m, kiến trúc giống như tầng một. Tầng ba dài 2,97m, rộng 1,9m, mở một cửa hình tròn ở mặt phía Đông, đường kính 0,68m, phía trên cửa có 3 chữ Quy Sơn tháp (tháp Núi Rùa). Tầng đỉnh có nét giống một vọng lâu, vuông vức, mỗi bề 2m.
Với kiến trúc độc đáo, ý nghĩa văn hóa sâu sắc, Tháp Rùa là một trong những biểu tượng văn hóa của Hà Nội.
Cầu Thê Húc màu đỏ nổi bật, bắc ngang qua hồ Gươm dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, do danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1865 hướng về phía Đông với ý nghĩa "ngưng tụ hào quang". Tên của cầu có nghĩa là “nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm”.
Đền Ngọc Sơn nằm ở phía Bắc hồ Gươm, trên đảo Ngọc, là một di tích lịch sử ngàn năm văn hiến và cũng là biểu tượng rõ nét của quan niệm “tam giáo đồng nguyên” của người Việt. Kiến trúc của đền Ngọc Sơn mang đậm màu sắc tôn giáo qua nhiều đời vua chúa. Không gian bên trong đền có nhiều hoành phi, câu đối được bài trí hài hòa. Đem lại nét đẹp cổ kính và linh thiêng.
Đền Ngọc Sơn là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội, nơi đây thờ thần Văn Xương, ngôi sao chủ về văn chương khoa cử và Đức thánh Trần Hưng Đạo.
Tháp Bút nằm ở vị trí trên bờ hồ Gươm, hướng Đông Bắc hồ, được xây dựng từ năm 1865, bao gồm năm tầng. Trên đỉnh là tượng trưng cho một ngòi bút đối lên trời, phần thân có khắc ba chữ Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), thân tầng thứ ba của tháp có khắc một bài Bút Tháp Chí.
Tháp Bút được thiết kế như hình một chiếc bút lông cao 9m với ngòi bút nhọn dựng thẳng lên trời.
Đài Nghiên nằm ở vị trí trên bờ hồ Gươm, hướng Đông Bắc hồ. Trên thân nghiên khắc một bài Minh, gồm 64 chữ Hán do cụ Nguyễn Văn Siêu soạn. Đài Nghiên là công trình kiến trúc được xây dựng cùng Tháp Bút với ý nghĩa “thế bút chống trời”. Đài được tạc từ đá, nằm trên lưng ba con cóc, có hình dạng như một quả đào bị cắt ngang, với chiều dài 0.97m, chiều rộng và chiều cao 0.3m.
Tháp Hòa Phong nằm ở vị trí trên bờ hồ Gươm, hướng Đông hồ, là dấu tích duy nhất còn sót lại của chùa Báo Ân – ngôi chùa bề thế bậc nhất Hà thành thế kỷ 19. Tháp được xây bằng gạch, cao ba tầng, mặt bàng hình tứ giác, tầng một có bốn cửa nên còn được gọi là “tứ môn tháp”. Bốn mặt của tầng hai hình Bát quái. Tầng ba ghi “Hòa Phong Tháp”.
Trên mỗi ngạch cửa của tháp ghi các dòng chữ: Báo Ân Môn, Báo Nghĩa Môn, Báo Đức Môn, Báo Phúc Môn (Cổng Báo Ân, Cổng Báo Nghĩa, Cổng Báo Đức, Cổng Báo Phúc), thể hiện các giá trị quan Nho giáo.
Đền Bà Kiệu nằm ở vị trí trên bờ hồ Gươm, hướng Đông Bắc hồ, được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, là một di tích hoàn chỉnh nhưng do việc mở đường nên đã tách làm hai phần, Tam quan ở sát bờ hồ, còn Đền thờ ở về phía bên này đường. Toạ lạc theo hướng Nam.
Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh, cùng hai tiên nữ Quế Nương và Quỳnh Hoa. Hiện tại, đền còn đang trưng bày một số di vật lịch sử như chuông đồng, bia Hưng Công, khám thờ, hương án,…
Đền thờ vua Lê ở nằm ở vị trí trên bờ phía Tây hồ Gươm, áp với đình Nam Hương.
Đền thờ tượng vua Lê Thái Tổ đứng trên bậc cao, trên tay cầm thanh kiếm như đang phóng xuống hồ trao trả cho rùa thần.
Ngoài ra, xung quanh hồ Gươm còn có nhiều địa điểm tham quan du khách có thể ghé thăm như nhà hát lớn Hà Nội, dãy phố cổ, phố đi bộ hồ Gươm, Tràng Tiền Plaza,...