"Câu hỏi có nên đầu tư vào nhà trọ cho sinh viên thuê gây tranh cãi. Dù việc này mang lại thu nhập ổn định, tuy nhiên lại đòi hỏi chi phí xây dựng và duy trì cao. Để thành công, cần xem xét yếu tố vị trí, chất lượng ngôi nhà và xu hướng thuê trọ của sinh viên."
Khi thị trường nhà ở vẫn không ngừng tăng trưởng và rất khó để tìm được các giao dịch lý tưởng, đừng bỏ qua mô hình nhà trọ cho sinh viên. Tuy nhiên, việc cho sinh viên đại học thuê nhà có thể khiến những chủ nhà mới tiếp xúc với mô hình này cảm thấy bị áp lực.
Trước khi quyết định đầu tư vào nhà trọ cho sinh viên, hãy xem xét những ưu, nhược điểm và những bí quyết sau để đầu tư thành công.
Ưu điểm: Tại sao nên đầu tư vào nhà trọ cho sinh viên?
1. Nhu cầu gần như luôn cao
Hầu hết các trường cao đẳng và đại học không thể cung cấp ký túc xá cho tất cả sinh viên của trường trong 4 năm học.
Điều này có nghĩa là hàng triệu sinh viên cần nơi để ở trước khi hoàn thành chương trình học của họ. Điều đó giúp cho nhà trọ ở hầu hết các khu vực lân cận xung quanh các trường đại học gần như không lúc nào bị bỏ trống.
Ngoài ra, mỗi năm đều có các khóa sinh viên mới vào nhập học tại các trường này, do đó lượng người thuê nhà không bao giờ cạn.
2. Giá thuê cao hơn
Nhu cầu nhà ở cao đồng nghĩa với giá thuê cao hơn.
Đối với các sinh viên ở tỉnh lẻ và không phù hợp với yêu cầu đăng ký kí túc xá trong trường đại học, để hoàn thành chương trình học ít nhất 4 năm của họ, họ cần phải thuê nhà trọ ở ngoài, gần trường học để tiện đi lại. Điều đó tạo nên một thị trường của người bán.
Hầu hết sinh viên đại học sống với nhiều bạn cùng phòng. Khi mà nhiều người ở chung một không gian, chủ nhà thường có thể tính giá thuê cao hơn vì mỗi người phải trả phần tiền thuê riêng của họ. Nếu bạn cho một gia đình thuê cùng không gian đó, bạn sẽ không thể tính chi phí thuê cho từng thành viên trong gia đình một cách riêng biệt, bạn sẽ chỉ có thể tính phí thuê cho cả gia đình.
Chẳng hạn, một căn hộ 3 phòng ngủ có thể cho một gia đình thuê với giá 8 triệu đồng/tháng, nhưng bạn có thể kiếm thêm vài triệu mỗi tháng khi cho 3 - 4 sinh viên thuê với giá 2,5 - 3 triệu đồng mỗi người.
3. Tiết kiệm chi phí nâng cấp bất động sản
Bạn không chỉ có thể kiếm thêm tiền khi cho sinh viên đại học thuê nhà mà còn có khả năng tiết kiệm. Sinh viên đại học thường không cần thuê nhà ở sang trọng, họ sẵn sàng thuê những căn nhà có chi phí thấp hơn.
Do đó, bạn không nhất thiết phải sơn lại tường, thay cửa sổ mới hoặc thực hiện những sửa chữa khác. Nói cách khác, nhà trọ cho sinh viên không phải lúc nào cũng cần mức độ hoàn thiện giống như các căn hộ cho một gia đình thuê.
Nhược điểm: Rủi ro trong việc đầu tư vào nhà trọ cho sinh viên
1. Người thuê nhà thiếu trách nhiệm
Đối với hầu hết các sinh viên mới nhập học, đây có lẽ là lần đầu tiên họ sống xa nhà. Do đó, những người thuê nhà này có thể sẽ thiếu trách nhiệm và thiếu kinh nghiệm trong việc giữ gìn bất động sản, hoặc giao tiếp và ứng xử với chủ nhà,... Điều đó có nghĩa là chủ nhà sẽ cần phải quản lý những người thuê nhà của mình trực tiếp hơn.
Ngoài giao tiếp kém, sinh viên có thể thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Điều đó có thể dẫn đến các vấn đề như dịch bệnh, chuột bọ và gián trong nhà và chủ nhà phải giải quyết sau đó.
2. Bồi thường thiệt hại
Nếu sinh viên gây thiệt hại đối với nhà mà họ đang ở trọ, chủ nhà có thể phải trả một số tiền lớn để sửa chữa. Điều này không chỉ khiến chủ nhà thêm “đau đầu nhức óc”, mà nó sẽ để lại một nguy cơ đó là dù nhóm sinh viên đại học gây thiệt hại đã chuyển đi, nhưng một nhóm sinh viên có hành vi thiếu trách nhiệm tương tự có thể đến.
3. Khó khăn trong quản lý tài chính
Sinh viên đại học thường thiếu kinh nghiệm sống và không có kinh nghiệm quản lý tiền bạc. Do đó, họ có thể khó thanh toán đầy đủ và đúng hạn tiền nhà và các chi phí khác của họ cho chủ nhà.
Hầu hết sinh viên đại học chỉ có thời gian để làm một công việc bán thời gian, thường là với mức lương khá thấp. Họ thường phải trả tiền nhà bằng tiền người giám hộ gửi cho chứ không phải bằng tiền đi làm thêm.
Trong tình huống sinh viên không thể trả tiền thuê nhà, bạn có thể bị buộc phải đuổi người thuê nhà giữa chừng. Nhưng việc tìm một người thuê nhà mới trong nửa năm học có thể tương đối khó, vì hầu hết các sinh viên khác đã có nhà ở ít nhất là trong phần còn lại của học kỳ. Trong trường hợp này, bất động sản của bạn có thể bị bỏ trống trong vài tháng trong khi chờ đợi mùa tựu trường tiếp theo.
4. Doanh thu hàng năm không ổn định
Chủ nhà phải chịu chi phí tương đối lớn sau khi người thuê cũ chuyển đi. Bạn sẽ mất thời gian và tiền bạc để dọn dẹp bất động sản, quảng cáo cho thuê, sàng lọc người thuê, ký hợp đồng thuê mới,....
Đó chính là lý do tại sao những chủ nhà có kinh nghiệm lại hướng tới việc giữ chân người thuê lâu năm ở lại. Người thuê chuyển đi nhiều hơn có nghĩa là chủ nhà phải chịu chi phí dọn dẹp nhiều hơn, tỷ lệ trống cao hơn và lợi nhuận thường thấp hơn.
5. Vi phạm các thỏa thuận cho thuê
Mặc dù chủ nhà đã nói rõ rằng chỉ có ba người có thể thuê nhà, nhưng sinh viên đại học không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Họ có thể ở ghép thêm một người để họ tiêu ít tiền hơn mỗi tháng mà bạn không hề hay biết. Sinh viên đại học cũng có thể bỏ qua các quy tắc của bạn về tiếng ồn khi tổ chức các bữa tiệc lớn. Điều này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với hàng xóm cũng như gây thiệt hại cho bất động sản.
6. Nhà trọ có thể bị bỏ trống vào mùa hè
Trong hầu hết các trường hợp, sinh viên đại học trở về nhà sau khi năm học kết thúc. Điều đó có thể khiến bất động sản của bạn bị bỏ trống trong vài tháng.
Bí quyết để đầu tư nhà trọ cho sinh viên thành công
Sau khi cân nhắc ưu điểm và khuyết điểm của loại hình này, bạn có thể sẽ cảm thấy rất do dự khi cho sinh viên đại học thuê bất động sản của mình. Hãy thử các bí quyết này để tối đa hóa tỷ lệ thành công của bạn.
1. Yêu cầu một khoản tiền đặt cọc bảo đảm
Sinh viên đại học có thể thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ bất động sản. Do đó, bạn có thể yêu cầu một khoản tiền đặt cọc bảo đảm đóng vai trò như một biện pháp ngăn chặn các hành vi rủi ro, hy vọng sẽ giúp họ có thái độ tôn trọng hơn đối với tài sản của bạn. Và nếu sinh viên gây ra thiệt hại, bạn sẽ có một khoản tiền để trang trải chi phí sửa chữa.
Đừng quên ký hợp đồng bảo hiểm bất động sản để có “hai lớp” bảo vệ cho căn nhà của bạn.
2. Thanh toán tiền thuê bằng các công cụ trực tuyến
Việc buộc người thuê nhà trả tiền nhà bằng tiền mặt có thể khó khăn hơn là việc thiết lập thanh toán tiền thuê trực tuyến tự động. Nếu các khoản thanh toán được chi trả trực tuyến, bạn có thể sẽ nhận được các khoản thanh toán tiền thuê nhà đúng hạn và đầy đủ, không bao giờ căng thẳng khi luôn phải trực tiếp nhắc họ trả tiền cho bạn.
3. Tính phí cho các tiện ích
Đối với mô hình nhà trọ cho sinh viên, chủ nhà thường không cung cấp miễn phí các tiện ích.
Cho dù bạn buộc người thuê nhà phải tự mình đăng ký lắp đặt các tiện ích như internet hay gửi hóa đơn cho họ, hãy tính phí các tiện ích cho sinh viên đại học tách biệt với tiền thuê nhà.
Vì vậy, bạn có nên đầu tư vào nhà trọ cho sinh viên đại học không?
Hãy coi nhà trọ cho sinh viên là một cơ hội đầu tư. Một số chủ nhà kiếm được lợi nhuận vượt trội bằng cách cho sinh viên đại học thuê nhà. Nhưng mô hình này đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng ứng phó kịp thời để bảo vệ bản thân và tài sản của bạn.
Trước khi bước vào thị trường ngách này, hãy xác định rõ ràng các mục tiêu của bạn. Cuối cùng, quyết định đầu tư hay không phụ thuộc vào lợi nhuận đầu tư mà bạn có thể nhận được. Vì thế, hãy đảm bảo tính toán dòng tiền trước khi mua và ước tính thận trọng cho tất cả các khoản chi đối với bất động sản cho thuê.