Dù "sức khỏe" của Swatch vẫn còn tốt, những hiệu đồng hồ khác của Thụy Sĩ tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều nhà sản xuất đã ngừng hoạt động. Thất nghiệp trong ngành công nghiệp đồng hồ gia tăng.
Theo các số liệu chính thức, tình hình phục hồi của xuất khẩu năm nay sẽ tạo điều kiện cho ngành đồng hồ Thụy Sĩ đạt mức tăng trưởng lên đến 40% so với năm 2009. Tuy nhiên, nhiều hiệu đồng hồ tiếp tục vẫn chưa qua được suy thoái. Một số đã ngưng sản xuất hoặc gặp khó khăn lớn về tài chính. Một số khác thậm chí đóng cửa. Đó là tình cảnh của Villemont, Universal Genève, Voltime, Wyler và Favre-Leuba. Mới đây, Thommen Watch, thành lập từ năm 1853 cũng bị đặt trong tình trạng đóng cửa.
Khó khăn nhưng là dấu hiệu tích cực
Theo hiệp hội giới chủ công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ (CPHI), từ 2008 - 2009, năm ông lớn trong ngành đồng hồ nước này đã mất dạng. Đầu năm 2009, 4.000 nhân viên mất việc, tương đương 9,8% số lao động trong ngành đồng hồ. Tỉ lệ thất nghiệp trong ngành này lên tới 10% trong khi mức trung bình của Thụy Sĩ chỉ là 3,7%.
Không phải tất cả đều khó khăn như nhau. Theo hiệp hội liên ngành nghề khu vực tư nhân Thụy Sĩ (Unia), các doanh nghiệp chủ yếu hướng về thị trường Mỹ như Audemars Piguet và Zenith bị thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Ngược lại, tình hình có khá hơn đối với những công ty hướng về châu Âu. Các công ty con của Swatch như Breguet, Blancpain, Omega, Longines, Rado và Tissot và Cartier vẫn tiếp tục thuê nhiều nhân công.
Tuy vậy, sự ra đi của một số nhà sản xuất, vốn là hậu quả tất yếu của đợt khủng hoảng năm 2008-2009 đã cho phép bình ổn ngành sản xuất đồng hồ của Thụy Sĩ. Số lượng các hiệu đồng hồ tại nước này nhiều đến mức không cần thiết với gần 2.000 hiệu đã đăng ký với cơ quan chức năng. Con số này là khổng lồ so với mức xuất khẩu mỗi năm chỉ khoảng 3,5 - 4 triệu sản phẩm. Tình trạng mất cân đối này manh nha từ những năm 1980 khi nhà sáng lập Swatch, Nicolas Hayek đã vực dậy nền công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ khiến nhiều nhà đầu tư khác cũng tận dụng thời cơ mở hiệu đồng hồ riêng cho mình.
Thay đổi xu hướng thị trường
Những người yêu đồng hồ đẹp cũng bắt đầu phân biệt giữa đâu là chuyên gia thực sự của ngành đồng hồ cao cấp và đâu là các nhãn hiệu không bề dày công nghệ thực sự. Olivier Müller, một chuyên gia tư vấn đồng hồ cho rằng: “Giới sưu tầm đang quay lưng với một số nhà sản xuất như Longines, Omega, Tag Heuer hay Breitling do các công ty này không tạo được xu hướng của riêng mình” . Để lấy lại thị trường, một số hiệu như Breitling và Hublot đã phát triển cơ chế của riêng trên một chiến lược dài hạn và tốn kém.
Một thách thức khác đối với đồng hồ Thụy Sĩ là xu hướng “vintage”, một phong cách quay ngược thời gian, lãng mạn cổ điển. Xu hướng này buộc các hiệu đồng hồ chuyển hướng 180o để trở về với những kiểu hồi những năm 1930 hay 1940. Mới đây, nhà sản xuất Jaeger-LeCoultre vừa ra mắt mẫu đồng hồ Reverso năm 1935.
Theo đánh giá của Olivier Müller, các hiệu như Breitling sẽ trở nên rộng rãi đối với công chúng trong khi các hiệu đồng hồ khác sẽ tập trung vào các model hạng sang, đắt tiền. Nhà sản xuất nằm giữa hai thị trường này sẽ chịu nhiều khó khăn nhất.