Là một trong những loại đồng hồ công cụ phổ biến nhất, đồng hồ lặn sở hữu thiết kế đặc trưng đã dần trở thành một phong cách được nhiều người ưa chuộng. Vậy đồng hồ lặn là gì? Cùng SHOPDONGHO.com tìm hiểu về cỗ máy thời gian này nhé.
Đồng hồ lặn là gì?
Đồng hồ lặn (Tiếng Anh: Diver, Diving watch, Dive watch) là tên gọi của một loại đồng hồ được sản xuất phục vụ nhu cầu xem giờ và đo thời gian cho các thợ lặn khi ở dưới nước. Nhiều người cho rằng đồng hồ lặn là những chiếc đồng hồ có ghi chỉ số chống nước trên mặt số, ví dụ như 30m có thể lặn sâu 30m, 50m có thể lặn sâu đến 50m,… Nhưng hãy chú ý, điều đó hoàn toàn là một cách hiểu sai lầm.
Nguồn gốc đồng hồ lặn là gì?
Lịch sử của đồng hồ lặn bắt đầu từ năm 1953 khi đơn vị lính thợ lặn tinh nhuệ thuộc quân đội của Pháp Blancpain (đứng đầu là Jean-Jacques tại thời điểm đó) yêu cầu được tạo ra chiếc đồng hồ quân đội thích hợp cho việc lặn của họ.
Xu hướng đồng hồ thời đại khi đó chủ yếu là về thời trang và đồng hồ phi công. Đồng hồ chống nước đã được thử nghiệm và sản xuất trong vài thập kỉ, nhưng chưa có cái nhìn thẩm mỹ phù hợp cùng đặc điểm kỹ thuật của một chiếc đồng hồ chuyên dùng cho việc lặn mà binh lính Pháp cần.
Để tạo ra chiếc đồng hồ cơ sử dụng cho các hoạt động quân sự dưới nước, cỗ máy thời gian đó cần có khả năng chịu nước cao, đặc điểm nhận dạng lớn, khung bezel có thể xoay, mặt kính và bộ vỏ bền bỉ và có tính năng dạ quang trên mặt số. Tất cả những điều này đều rất quan trọng cho tính năng và khả năng hiển thị dưới nước.
Vì vậy nên Blancpain Fifty Fathoms đã được thiết kế. Không lâu sau đó, Rolex cho ra mắt dòng đồng hồ Submariner và các nhà sản xuất đồng hồ khác đã làm theo như một trào lưu. Hãy nghĩ xem nếu như khi đó Blancpain đã không quan tâm đến những yêu cầu của các binh lính quân đội người Pháp thì có lẽ những mô hình đồng hồ độc đáo và chuyên dụng này đã không thể tồn tại.
ISO 6425 – Tiêu chuẩn cho đồng hồ lặn
Tổ chức tiêu chuẩn ISO hoặc tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế là một tổ chức toàn cầu độc lập sản xuất cho các ngành công nghiệp được sử dụng trên toàn cầu. Nó bao gồm các ngành công nghiệp lớn như kỹ thuật điện, kỹ thuật dân dụng, dầu khí, tài liệu tiêu chuẩn và thậm chí cả đồng hồ lặn.
ISO 6425 là tiêu chuẩn riêng dành cho đồng hồ lặn. Chứng nhận này đồng nghĩa với việc đồng hồ phải tuân theo tất cả các yêu cầu như sau:
- Khả năng chống nước tối thiểu 100m hoặc 330 feet.
- Độ kín nước ở tất cả các khía cạnh (mặt kính, nắp lưng và núm điều chỉnh)
- Sức ép quá tải lên tới 200 kPa
- Vòng quay bezel không theo chiều hướng thời gian lặn
- Dễ xem thời gian khu vực tối, bezel và kim giây phải chạy. Đối với điều này, chức năng dạ quang là tốt nhất
- Kháng từ trường tốt
- Chống sốc
- Kháng nước mặn
Khi đồng hồ lặn có tất cả các yêu cầu này, nó có thể được bán ra thị trường như chiếc đồng hồ theo tiêu chuẩn ISO chứng nhận đồng hồ dành cho thợ lặn. Mặt số được đánh dấu bởi dấu hiệu DIVER’S WATCH X M hoặc DIVER’S X M – thay thế X bằng mức đánh giá độ chống nước. Đây là một xét nghiệm dễ dàng để biết một chiếc đồng hồ có đúng là đồng hồ thợ lặn thật sự hay chỉ là một chiếc đồng hồ có kiểu dáng là đồng hồ lặn.
Đặc trưng của đồng hồ lặn
Mức độ chống nước cao
Khả năng chống nước là yêu cầu hàng đầu đối với đồng hồ lặn. Hầu hết Diving watch sẽ sở hữu mức độ chống nước tối thiểu 10 ATM (tương đương 10 BAR hoặc 100M), phổ biến nhất sẽ là mức chống nước 20ATM. Một số mẫu đồng hồ sẽ được thiết kế ở các mức chống nước cao hơn như 30ATM trở lên.
Tuy nhiên với người dùng bình thường như chúng ta (không phải thợ lặn chuyên nghiệp) thì mức chống nước 10-20 ATM là hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu. Những mẫu đồng hồ có mức chống nước thấp hơn 10 ATM nhưng có thiết kế theo kiểu đồng hồ lặn được gọi là Diver Style Watch – hay đồng hồ thiết kế theo phong cách Diver.
Để đạt được mức độ chống nước nay, các nhà sản xuất cần phối hợp nhiều phương thức thiết kế khác nhau, bao gồm:
- Hệ thống gioăng: Chi tiết này thường được làm bằng cao su và đặt ở các vị trí dễ bị nước xâm nhập trên đồng hồ như đáy và núm vặn có nhiệm vụ bịt kín các khe hở giữa các chi tiết, thành phần kim loại khác của đồng hồ.
- Núm chỉnh giờ có khóa xoay (Screw-down Crown) và gờ bảo vệ: Trong hoạt động thực tế, một trong những nguyên nhân khiến đồng hồ bị vào nước phổ biến nhất phải kể đến việc núm chỉnh giờ vô tình bị bật ra (hở) dẫn đến việc nước xâm nhập qua vị trí này. Để tránh khỏi nguy cơ đó, đồng hồ lặn thường có núm được tích hợp khóa xoay (phải xoay núm để mở ren khóa trước khi có thể rút núm). Đồng thời bên cạnh núm cũng sẽ có 2 gờ bảo vệ nhô ra để tránh các tác động trực tiếp lên núm.
- Nắp đáy vặn (Screw case back): Cũng như phần núm, đáy của đồng hồ lặn cũng được được thiết kế kiểu đáy có ren vặn để đảm bảo khả năng chống nước tốt hơn, ít chịu ảnh hưởng của các va đập trong quá trình sử dụng. Ngoài ra 1 số mẫu Diver còn sử dụng cách khóa đáy bằng đinh ốc cho hiệu quả tương đương.
Những cơ chế chống nước này sẽ đều có điểm chung là chiếm thêm không gian thể tích của tổng thể chiếc đồng hồ. Vì vậy mà đồng hồ lặn nói riêng và những mẫu đồng hồ có mức chống nước cao nói chung đều có sẽ độ dày lớn hơn các loại đồng hồ khác. Tuy nhiên, điều này không làm giảm đi tính thẩm mỹ của sản phẩm mà lại rất phù hợp với phong cách thể thao, mạnh mẽ vốn cũng là đặc trưng khiến người ta yêu thích và tìm đến chúng.
Tích hợp dạ quang
Ánh sáng sẽ bị hạn chế ở độ sâu nhất định dưới nước dẫn đến việc xem giờ trên đồng hồ trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, dạ quang là trang bị cơ bản cần có với đồng hồ lặn, trang bị này cũng hỗ trợ rất tốt khi chúng ta sử dụng đồng hồ trong bóng tối hay những nơi không có ánh đèn. Thậm chí các yếu tố liên quan đến dạ quang như độ sáng hay màu sắc cũng trở thành 1 yếu tố thú vị khi đánh giá và lựa chọn các mẫu đồng hồ lặn.
Theo tiêu chuẩn chung thì đồng hồ lặn cần có dạ quang trên kim, bao gồm cả kim giây (để thợ lặn có thể biết được đồng hồ của họ vẫn đang hoạt động bình thường). Đa phần các mẫu Diver cũng sẽ trang bị dạ, quang ở các cọc số để tăng cường trải nghiệm xem giờ tốt hơn.
Vành Bezel xoay
Đây cũng chính là đặc trưng riêng chỉ có ở đồng hồ lặn. Trang bị này chưa xuất hiện trên các thiết kế đồng hồ lặn thời kỳ đầu mà chỉ phổ biến từ khoảng thập niên 1950s với sản phẩm nổi bật là Blancpain Fifty Fathoms, sau này đã trở nên không thể thiếu và trở thành đặc điểm nhận dạng nổi bật nhất của đồng hồ lặn so với các loại đồng hồ khác.
Bezel xoay là 1 cơ chế trong đó Bezel sẽ có 1 mốc số 0, thường được ký hiệu là hình tam giác ngược với định hướng vào tâm mặt số (vị trí này cũng sẽ có dạ quang để tiện quan sát), phần còn lại sẽ được chia theo các mốc phút.
Trước khi xuống nước, người thợ lặn sẽ dùng Bezel để đếm ngược thời gian lặn an toàn (tương đương với thời gian cho phép của lượng dưỡng khí trong bình họ mang theo). Tính năng này giúp thợ lặn kiểm soát tốt thời gian, tính toán hành trình hợp lý để trở lại mặt nước trước khi hết dưỡng khí. Để hiểu rõ nguyên lý hoạt động và cách sử dụng của Bezel xoay trên đồng hồ lặn, hãy tham khảo video dưới đây
SHOPDONGHO.com đã tổng hợp những thông tin xoay quanh chủ đề đồng hồ lặn là gì? Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy bình luận bên dưới để chúng tôi giải đáp nhé.