Thủ tục mua bán nhà đất có sổ hồng là quá trình pháp lý cần thiết để chuyển nhượng tài sản bất động sản tại Việt Nam. Đây là bước quan trọng đảm bảo tính hợp pháp và quyền sở hữu của người mua. Quá trình này bao gồm nhiều bước như kiểm tra hợp đồng, xác định quyền sở hữu, đăng ký chuyển nhượng và cung cấp các giấy tờ liên quan. Việc tuân thủ quy trình này sẽ giúp đảm bảo an toàn cho các giao dịch bất động sản tại Việt Nam.
Câu hỏi của bạn đọc CafeLand có nội dung:
Tôi đang mua một mảnh đất đã có sổ hồng, giờ đang tiến hành giao dịch. Xin luật sư tư vấn giúp về quy trình, thủ tục mua nhà đất có sổ hồng? Mong luật sư tư vấn giúp. Xin cảm ơn.
huynguyen@...
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:
Mua bán nhà đất có sổ hồng tức là đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đáp ứng quy định của pháp luật khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trước khi giao dịch để đảm bảo chắc chắn tính pháp lý của mảnh đất an toàn, bạn nên kiểm tra xem đất có đang xảy ra tranh chấp hay trong thời hạn bị kê biên để đảm bảo thi hành án hay không. Về thủ tục mua bán nhà đất khi có sổ hồng bạn cần lưu ý:
Hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Sau khi kiểm tra tính pháp lý của mảnh đất là an toàn, hai bên tiến hành đặt cọc, soạn thảo trước hợp đồng mua bán nhà đất và sau đó tiến hành thủ tục công chứng hợp đồng mua bán nhà đất tại văn phòng công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi có đất.
Hồ sơ công chứng như sau:
- Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ
- Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng (Cả bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng); Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân đối với trường hợp bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đã có gia đình.
- Bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau khi thực hiện công chứng hợp đồng giao dịch tại văn phòng công chứng, bạn phải thực hiện đăng ký biến động đất đai tại văn phòng đăng ký đất đai theo quy định tại Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ như sau:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo mẫu 09/ĐK;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng;
Ngoài ra, phải có sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước nhân dân.
Thuế phí phải nộp khi thực hiện thủ tục mua bán nhà đất có sổ hồng
- Thuế thu nhập cá nhân theo Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC. Cách tính thuế như sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng x Thuế suất 2%
- Lệ phí trước bạ được quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP đối với nhà, đất:
Cách tính lệ phí trước bạ theo Điều 7 Nghị định 140/2016/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bỏi Nghị định 20/2019/NĐ-CP như sau:
Lệ phí trước bạ = 0,5% x Giá chuyển nhượng
Sau khi hoàn tất thủ tục đóng thuế và các loại giấy tờ liên quan thì bên mua có trách nhiệm mang toàn bộ các loại giấy tờ tới UBND nơi mua bán đất. Nếu xét thấy đủ điều kiện pháp lý theo quy định pháp luật thì bộ phận có trách nhiệm sang tên sổ hồng cho bên mua theo đúng trình tự, mẫu của pháp luật quy định.
Khi nhận được sổ hồng mới, bên mua sẽ giao lại toàn bộ số tiền còn lại quy định trong hợp đồng cọc với bên bán và thủ tục mua bán nhà đất có sổ hồng được hoàn tất.
Thông thường, thời gian sang tên sổ hồng là 15 ngày làm việc tính từ ngày người dân nộp hồ sơ.
Xem thêm: Lưu ý khi mua bán nhà đất dùng sổ hồng chung